Đi tiểu là nhu cầu sinh lý bình thường của con người. Nhưng nhiều người có thể chưa biết rõ cơ chế đi tiểu như thế nào và 1 ngày đi tiểu mấy lần là bình thường. Những dấu hiệu để nhận biết tình trạng đi tiểu bất thường là gì? Để giải đáp những câu hỏi này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
Bình thường đi tiểu một ngày mấy lần?
Mục lục
1. Cơ chế đi tiểu?
Đi tiểu là hàng loạt các hoạt động của bàng quang kết hợp với một số cơ quan khác của cơ thể bao gồm thận, niệu quản và hệ thần kinh. Nước tiểu được tạo ra trong thận, sau đó đi xuống niệu quản và chứa ở bàng quang. Khi lượng nước tiểu trong bàng quang đủ lớn quá trình tiểu tiện bắt đầu. Các cơ không tự chủ gửi tín hiệu đến hệ thần kinh để bạn đưa ra quyết định đi tiểu dưới sự kiểm soát có ý thức. Trong đó có 2 cơ chính tham gia vào việc đi tiểu bao gồm:
- Cơ vòng niệu đạo trong: Không tự chủ, bao quanh lỗ mở bàng quang đến niệu đạo, tự giãn ra để nước tiểu chảy.
- Cơ vòng niệu đạo ngoài: Tự chủ, bao quanh niệu đạo bên ngoài bàng quang, được kiểm soát để giãn ra mới có thể đi tiểu.
2. Đi tiểu bao nhiêu lần một ngày là bình thường?
Một ngày người khỏe mạnh trung bình đi tiểu 8 lần
Bàng quang có thể mở rộng ra khi nước tiểu từ niệu quản chảy vào nhưng nó bị giới hạn về thể tích chứa nhất định. Khi có khoảng 200ml nước tiểu, cơ thắt đac gửi tín hiệu qua hệ thống thần kinh và tạo “sự thôi thúc” để đi tiểu. Nó có thể được kiềm chế, tuy nhiên khả năng này giảm dần khi lượng nước tiểu tăng lên. Khoảng 500ml sẽ tác động đến cơ vòng niệu đạo bên trong, nếu cơ vòng niệu đạo ngoài không đủ mạnh để ngăn chặn dòng nước tiểu, bạn có thể bị tiểu són, một cách không tự chủ.
Một người khỏe mạnh trung bình đi tiểu 8 lần mỗi ngày, trong đó 7 lần là đi tiểu ngày và 1 lần tiểu đêm. Lượng nước tiểu khoảng 200ml/lần, tương ứng với 1400ml/ngày.
Các đặc điểm của nước tiểu như tần suất và lượng nước tiểu mỗi ngày có thể phụ thuộc vào một số yếu tố như:
- Lượng chất lỏng uống bổ sung: Nếu uống mỗi ngày nhiều hơn 2 lít nước, bạn có thể đi tiểu nhiều hơn bình thường, đặc biệt là khi dùng những đồ uống chứa caffein hay rượu, bia… có tác dụng lợi tiểu, kích thích bàng quang.
- Tuổi tác: Ở những người cao tuổi thường đi tiểu nhiều hơn, nhất là vào ban đêm. Điều này do suy giảm chức năng thận, phì đại tuyến tiền liệt hay giảm sản xuất hormon giúp cô đặc nước tiểu.
- Yếu tố môi trường: Thời tiết quá lạnh gây co mạch, huyết áp tăng lên khiến thận phải lọc nhiều máu hơn. Do vậy mà bạn đi tiểu nhiều lần hơn vào mùa đông.
- Thai kỳ: Khi mang thai, cơ thể người mẹ sản sinh nhiều chất lỏng hơn, lượng dư thừa sẽ phải lọc đào thải ra bên ngoài. Đồng thời thai nhi ngày càng phát triển gây chèn ép bàng quang khiến cơ quan này bị kích thích và đi tiểu nhiều hơn.
- Thuốc men: Một số loại thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc lợi tiểu có thể khiến bạn đi tiểu nhiều hơn.
3. Dấu hiệu nhận biết tình trạng đi tiểu bất thường?
Mặc dù các đặc điểm của nước tiểu phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nhưng có những thay đổi nhất định giúp bạn dễ dàng nhận ra tình trạng đi tiểu bất thường như màu sắc, lượng nước tiểu hay thành phần.
3.1. Màu sắc của nước tiểu thay đổi
Màu sắc nước tiểu thường có màu vàng nhạt, trong, ít bịt
Nước tiểu của người khỏe mạnh thường có màu vàng nhạt, trong, ít bọt. Nếu bạn uống quá nhiều chất lỏng, thận phải hoạt động nhiều hơn để lọc và đào thải nước ra bên ngoài làm nước tiểu trong nhưng gần như không có màu. Điều này không gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, tuy nhiên nếu nước tiểu có màu sắc bất thường như vàng đậm, hồng hoặc đỏ… nó có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý.
– Màu vàng đậm: Chứng tỏ bạn uống quá ít nước hay gặp vấn đề ống mật hoặc các bệnh lý về gan.
– Màu hồng hoặc đỏ nhạt: Có thể do bạn ăn những thực phẩm màu hồng đậm, đỏ tươi tự nhiên như việt quất, củ dền… Nếu tình trạng này kéo dài có nguy cơ do một số vấn đề về sức khỏe như sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt, khối u trong thận hoặc bàng quang… Nếu nước tiểu màu hồng đi kèm với chảy máu chân răng, chảy máu mũi có khả năng do bệnh xuất huyết như giảm lượng tiểu cầu, bệnh máu chậm đông.
– Nước tiểu có màu xanh lục, xanh lam: Hiện tượng này hiếm gặp, chủ yếu do chế độ ăn như quá nhiều măng tây, dùng thuốc nhuộm trong xét nghiệm trên bàng quang hoặc thận.
– Nước tiểu có màu nâu sẫm: Là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị mất nước, gặp các tác dụng phụ của thuốc, hay rối loạn chuyển hóa porphyrin…
– Nước tiểu màu trắng đục: Thường là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh thận hoặc một số bệnh mãn tính khác.
3.2. Tần suất và lượng nước tiểu bài xuất ra bất thường
Tần suất và lượng nước tiểu như thế nào là bất thường?
Các dấu hiệu cảnh báo về tần suất và lượng nước bài tiết ra bất thường như:
– Thời gian buồn tiểu quá nhanh hay quá lâu:
- Ban ngày: Người khoẻ mạnh thường cứ 3 – 4 giờ thì đi vệ sinh một lần. Tuy nhiên, con số này dao động tùy theo lượng nước bổ sung nhiều hay ít và mức độ ăn mặn hay nhạt. Nếu bạn uống nước, thường sau khoảng 30 – 45 phút bạn sẽ buồn đi tiểu vì thời gian này đủ để thực hiện quá trình trao đổi nước trong cơ thể. Một số người đi tiểu bất thường có triệu chứng đi tiểu thường xuyên, sau khi uống nước 10 – 15 phút sau đã mót đi tiểu hay khoảng cách đi tiểu kéo dài trên 5 tiếng…
- Ban đêm: Một người ngủ đủ giấc từ 7 – 8 tiếng ban đêm thường không phải thức giấc để đi tiểu. Tuy nhiên, bạn cũng có thể cần thức giấc giữa đêm để đi tiểu nhiều lần nếu uống lượng lớn nước trong ngày, bị suy giảm chức năng thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, gặp vấn đề về niệu đạo và bàng quang…
– Lượng nước tiểu đi mỗi lần bất thường:
Tùy theo chế độ ăn uống, tuổi tác, mức độ hoạt động của cơ thể… mà lượng nước tiểu đào thải ra mỗi ngày có thể thay đổi. Giới hạn bình thường được đưa ra là từ 400 – 3000 ml/ngày. Sản xuất quá nhiều hay quá ít nước tiểu thường do gặp phải các vấn đề bệnh lý và cần chăm sóc y tế.
- Nếu ít hơn 400ml là hiện tượng thiếu niệu, có thể là dấu hiệu của bệnh suy thận cấp tính.
- Nếu nhiều hơn 3000ml là hiện tượng đa niệu, thường do một số bệnh lý như bệnh tiểu đường, hội chứng uống nhiều, suy thận mạn tính.
3.3. Nước tiểu xuất hiện các thành phần bất thường
Nước tiểu có protein gây đi tiểu có bọt
Thành phần của nước tiểu bao gồm nước (chiếm đến 91 – 96%), các hợp chất nitơ, clorua, natri, kali, creatinin và các chất thải chuyển hóa khác. Bất cứ thành phần lạ nào hay nồng độ cao hoặc thấp bất thường được tìm thấy trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của bệnh lý.
– Protein niệu: Lượng protein trong nước tiểu thường dưới 150 mg/ngày. Nếu con số này tăng lên có thể liên quan đến bệnh lý như suy giảm chức năng thận, sỏi thận, tiểu đường, huyết áp cao. Người bệnh sẽ thấy xuất hiện nhiều bọt sau khi đi tiểu và phải xả nhiều với nước mới hết. Ngoài ra, nó thường đi kèm với một số triệu chứng khác như đi tiểu thường xuyên, mệt mỏi, hụt hơi…
– Ceton niệu: Một số nguyên nhân gây ra như đói, giảm cân, thực hiện chế độ ăn kiêng, nôn nhiều… Nếu tình trạng này nghiêm trọng với nồng độ ceton cao trong máu có thể gây nhiễm toan ceton, hôn mê và tổn thương hệ thần kinh trung ương.
– Glucose niệu: Là xét nghiệm thường quy được thực hiện khi phân tích nước tiểu định kỳ. Được coi là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường và nhiều nguyên nhân khác như bữa ăn chứa nhiều carbohydrate, mang thai, tổn thương thận…
Ngoài ra, một số thành phần lạ khác cũng được tìm thấy trong nước tiểu như máu, leukocytes, nitrites, urobilinogen, bilirubin…
3.4. Những thay đổi khác
Ngoài những bất thường về màu sắc, tần suất, lượng nước tiểu và thành phần, còn có những thay đổi khác của nước tiểu cần được chú ý như:
- Mùi: Thường nước tiểu có mùi khai nhẹ, nếu có thay đổi như chuyển sang mùi giống mùi cá có thể do bị nhiễm khuẩn đường tiết. Hay mùi nước tiểu ngọt trong bệnh đái tháo đường, bệnh về thận.
- pH: Bình thường nằm trong khoảng 5,5 – 7. pH thấp thường do tăng acid uric, tiêu chảy, chế độ ăn giàu protein từ thịt và sữa… pH tăng khi bị sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu hay liên quan đến thận. Tuy nhiên, những thay đổi này của nước tiểu bạn khó nhìn được thấy bằng mắt thường.
4. Khi nào đi tiểu bất thường cần đi khám?
Bao giờ đi tiểu bất thường cần đi khám?
Nếu tình trạng đi tiểu bất thường chỉ xuất hiện trong 1 hoặc 2 ngày do chế độ ăn uống thường không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài trong nhiều ngày, kèm theo các triệu chứng dưới đây, bạn nên đi thăm khác bác sĩ càng sớm càng tốt:
- Đi tiểu thường xuyên trên 8 lần/ngày.
- Lượng nước tiểu nhiều, thấy đau nóng rát trước, trong hoặc sau khi đi tiểu.
- Tiểu gấp, tiểu són, tiểu không tự chủ.
- Màu nước tiểu chuyển thành hồng, đỏ nhạt, trắng đục, nâu sẫm…
- Nước tiểu có bọt, mùi hôi.
- Triệu chứng toàn thân như buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi, hụt hơi, sốt, sưng bàn chân hay mắt cá chân, chán ăn, sụt cân…
5. Cách dự phòng tình trạng đi tiểu bất thường?
Để việc đi tiểu như nhu cầu sinh lý không phải là dấu hiệu của bệnh lý, bạn cần xây dựng cho mình chế độ ăn uống, sinh hoạt, thói quen đi vệ sinh hợp lý…
5.1. Thay đổi chế độ chế độ ăn uống, sinh hoạt
Bổ sung đủ nước từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày để ngăn ngừa đi tiểu bất thường
Chế độ ăn uống, sinh hoạt ảnh hưởng lớn tới nhu cầu đi tiểu của bạn. Do đó để bảo vệ sức khỏe của bàng quang, thận và niệu quản nên thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, khoa học.
– Chế độ ăn uống:
- Uống đủ nước từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày. Nếu thiếu nước, nước tiểu của bạn sẽ bị cô đặc dẫn đến chuyển sang màu vàng đậm, cơ thể mệt mỏi, da khô, sạm và giảm độ đàn hồi. Trong khi đó, việc uống quá nhiều nước cũng không tốt cho sức khỏe khiến thận phải hoạt động nhiều hơn, bạn đi tiểu nhiều hơn.
- Tránh các chất gây kích thích bàng quang như caffein, rượu, thực phẩm có tính acid…
- Chế độ ăn uống nhiều rau xanh và hoa quả giúp ngăn ngừa táo bón, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Do táo bón khiến phân bị tích trữ trong trực tràng gây áp lực lên bàng quang khiến nó không mở rộng theo cách bình thường gây ra tình trạng tiểu không tự chủ.
- Bổ sung probiotic hoặc thực phẩm giàu probiotic như sữa chua, kim chi… giúp hỗ trợ sức khỏe bộ phận sinh dục và tiết niệu.
– Chế độ sinh hoạt:
- Không nhịn tiểu quá lâu, giữ khoảng cách thích hợp giữa mỗi lần đi tiểu là 3 – 4 giờ.
- Hạn chế căng thẳng.
- Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục và vệ sinh sạch sẽ vùng kín để tránh nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Đi tiểu ở tư thế thoải mái: Việc giãn các cơ xung quanh bàng quang sẽ giúp dễ làm rộng bàng quang hơn. Bạn cũng nên dành đủ thời gian để đi tiểu hoàn toàn, không đi vội vàng khiến nước tiểu vẫn còn khiến bàng quang dễ bị nhiễm trùng.
- Lau vùng kín sau khi đi vệ sinh để tránh vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo.
- Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là bài tập kegel giúp tăng cường sức khỏe cơ sàn chậu, kiểm soát tốt được việc đi tiểu. Điều này còn giúp duy trì cân nặng hợp lý, đảm bảo duy trì áp lực lên bàng quang và các cơ xung quanh, giảm các triệu chứng rối loạn tiểu tiện.
- Giảm hút thuốc lá: Do làm tăng nguy cơ bị ung thư bàng quang, gây tiểu không kiểm soát.
5.2. Tập đi tiểu khoa học
Tập đi tiểu theo giờ quy định để giảm rối loạn tiểu tiện
Tập đi tiểu theo giờ là một phương pháp giúp kiểm soát tốt việc đi tiểu. Bạn nên viết nhật ký đi tiểu của mình và học cách đi tiểu theo đúng thời gian quy định. Nếu khoảng cách giữa mỗi lần đi tiểu ngắn nên tăng dần thời gian cho đến khi khoảng cách đi tiểu đều đặn mỗi 3 giờ/lần.
5.3. Kiểm tra sức khoẻ định kỳ
Một giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng đi tiểu bất thường là thăm khám sức khỏe định kỳ. Bác sĩ sẽ kiểm tra đặc điểm của nước tiểu về màu sắc, lưu lượng và thành phần. Nếu có bất cứ những dấu hiệu nào khác thường, các bác sĩ tiến hành chẩn đoán và xây dựng phương pháp điều trị thích hợp.
Như vậy, một người khỏe mạnh đi tiểu trung bình 8 lần một ngày. Nếu bạn quan sát thấy những dấu hiệu bất thường nên đi thăm khám bác sĩ để điều trị kịp thời.
Tài liệu tham khảo
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/urine-color/symptoms-causes/syc-20367333
- https://en.wikipedia.org/wiki/Urine
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/321461